Doanh nghiệp Thái dựng trại điện gió lớn nhất ở Lào để bán điện cho Việt Nam

Tập đoàn năng lượng tái tạo Thái Lan BCPG công bố sẽ bỏ ra khoảng 840 triệu USD xây dựng trang trại điện gió lớn nhất ASEAN đặt tại Lào, điện năng tạo ra sẽ bán cho Việt Nam.
Doanh nghiệp Thái dựng trại điện gió lớn nhất ở Lào để bán điện cho Việt Nam
Một nhà máy điện gió vận hành ở Việt Nam – Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN
Theo báo Bangkokpost, trang trại điện gió này dự kiến có quy mô công suất lên đến 600MW, đặt gần sông Mê Kông và điện năng sản xuất ra sẽ được bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Bundit Sapianchai – chủ tịch kiêm giám đốc điều hành BCPG – cho biết công ty đã có kế hoạch ký hợp đồng mua bán điện với EVN vào tháng 10 này để khởi động dự án mang tên “Swan” (Thiên nga). Dự kiến nhà máy này sẽ được xây dựng ngay sau khi lễ ký kết và hoạt động vào năm 2023. Theo chủ đầu tư, dự án sẽ chiếm diện tích lên đến 68.000ha, đặt tại các tỉnh Sekong và Attapeu của Lào.
Ông Bundit Sapianchai nhận định giữa chính phủ Lào và Việt Nam đã có thỏa thuận xuất khẩu điện từ Lào sang Việt Nam, trong đó sản lượng điện xuất khẩu có thể lên đến 5.000MW, do đó đây là cơ hội để đầu tư về năng lượng tại Lào.
Trước đó, BCPG đã tiếp quản Nhà máy thủy điện Nậm San 3A (69 MW) và Nậm San 3B (45 MW) thuộc doanh nghiệp của Lào để bán điện cho EVN.
Được biết, BCPG đầu tư vào dự án này thông qua công ty con là Impact Energy Asia Development, với tỉ lệ sở hữu 45%, 55% còn lại do Impact Electrons Siam nắm giữ.
Đây cũng là doanh nghiệp đã ký cam kết với EVN về giá bán điện của dự án điện gió từ Lào nhập khẩu về Việt Nam sẽ không cao hơn khung giá 6,95 cent/kWh.
Hiện tại, giá điện mua từ các dự án điện gió trong nước theo quy định là 8,5 cent/kWh (tương đương 1.927 đồng/kWh) đối với dự án trên đất liền và 9,8 cent/kWh (tương đương 2.223 đồng/kWh) với các dự án điện gió trên biển.
Được biết, EVN dự kiến mua 1,491 tỉ kWh điện từ Lào theo thỏa thuận tại Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào ký kết vào đầu năm 2020.
EVN đã ký hợp đồng mua bán điện đối với Nhà máy thủy điện Nam Kong 2 (66MW), Nam Kong 3 (54MW) và nhà máy Thủy điện Nam Emoun (129MW)… Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nhập khẩu 1.200MW điện của Lào vào năm 2020 và nâng quy mô lên 5.000MW vào năm 2030.
Đề nghị không gia hạn giá FIT cho điện gió
EVN vừa có văn bản góp ý gửi Thủ tướng về đề nghị kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió. Cụ thể, để đảm bảo truyền tải công suất của các dự án điện gió và hướng tới cơ chế đấu thầu, đảm bảo minh bạch, tăng tính cạnh tranh, góp phần giảm giá mua từ các dự án điện gió, EVN đề nghị không kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg.
Đồng thời đề nghị xem xét giao chủ đầu tư các dự án điện gió thực hiện đầu tư các dự án lưới điện đồng bộ đấu nối dự án điện gió vào lưới điện quốc gia để đảm bảo tiến độ vận hành thương mại và khả năng giải tỏa công suất của dự án điện gió.
EVN cho rằng hiện tại cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho điện mặt trời thỏa mãn các điều kiện liên quan tại quyết định số 13 đã được Bộ Công thương xây dựng và báo cáo Thủ tướng từ tháng 3-2020 và tới 1-7, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương hoàn thiện trình lại trước ngày 10-7 để thực hiện vào đầu năm 2021.
Do đó, cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện gió có thể học tập kinh nghiệm từ cơ chế đấu thầu/đấu giá áp dụng cho các dự án điện mặt trời vào cuối 2021, đây là thời điểm hết hiệu lực của giá FIT áp dụng cho điện gió hiện nay.
Trước đó, các nhà đầu tư điện gió và Bộ Công thương đã kiến nghị kéo dài giá mua bán điện cố định đối với các dự án điện gió thay vì hết hiệu lực vào cuối 2021.
Theo: Tuổi trẻ
0912 259 534